(Baohatinh.vn) – Tháng 6/2020, người trồng chè Hồng Lộc, Lộc Hà (Hà Tĩnh) đón nhận tin vui khi dự án phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” được triển khai, mang lại cơ hội mới trong việc nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương.
Khác với các vựa chè trong tỉnh, chè xanh Hồng Lộc cao đến quá đầu người, chè cũng không thu hoạch búp mà thu hoạch nguyên cả cành. Đây phần lớn là cây chè cổ thụ có tuổi thọ ít thì vài chục năm, nhiều lên đến nửa thế kỷ.
Theo người dân, chè khi nấu lên có hương thơm dịu nhẹ, vị đậm đà, chát ngọt đặc trưng khiến nhiều người nhớ đến.
Có hơn 40 năm gắn bó với cây chè, ông Bùi Văn Đồng ở thôn Đông Thịnh cho biết: “Từ năm 15 tuổi, tôi đã theo cha mình đi trồng chè. Tôi lớn lên từ cây chè, rồi cũng chính cây chè giúp tôi nuôi 5 đứa con.
Giai đoạn trước (1980 – 2000), cuộc sống người dân Hồng Lộc phần lớn phụ thuộc vào chè. Càng về sau, giá trị của cây chè càng thấp, diện tích chè vì thế cũng thu hẹp, nhưng người dân vẫn bám nghề trồng để vừa giữ lại “đặc sản” của địa phương vừa kiếm thêm thu nhập phụ; bởi cây chè “dễ tính”, ngày nào chè cũng cho thu hoạch mà không cần bỏ nhiều công chăm sóc. Với diện tích gần 3.000 m2 chè của gia đình, mỗi năm, chúng tôi thu về hơn chục triệu đồng…”.
Cũng lớn lên với cây chè, chị Mai Thị Tuyết ở thôn Thượng Phú chia sẻ: “Cây chè có từ thời ông bà để lại, con cháu cứ thế duy trì. Chè được trồng trên đồi, không hề phun thuốc hay có tác động nào bên ngoài. Có lẽ vì thế mà thương lái vẫn tìm về Hồng Lộc để thu mua chè”.
Chè ở Hồng Lộc là chè cổ thụ vì vậy không phải thường xuyên trồng mới. Đồi chè ở cách xa khu dân cư nên việc tưới tiêu ngày nắng hạn cũng không thể thực hiện.
Dù vậy, chè Hồng Lộc vẫn phát triển xanh tốt, chỉ có một số rất ít cây chết thì đến tháng 9 âm lịch hằng năm người dân sẽ dắm trồng cây mới từ việc ươm hạt chè.
Được biết, chè xanh hiện đang được hơn 1.500 hộ dân ở cả 7 thôn của xã trồng với tổng diện tích 57 ha. Trong đó có 5 thôn tập trung trồng với diện tích lớn gồm: Quan Nam, Thượng Phú, Trường An, Đông Thịnh, Trung Sơn.
Hiện nay, mỗi ha chè cho thu hoạch 20 tấn/năm, đạt thu thập 70 triệu đồng.
Chè sau khi thu hoạch được người dân chở ra bán ở ngay chân đồi cho thương lái hoặc thương lái đến tận vườn cắt mua; sản phẩm còn được gửi làm quà ra ngoài tỉnh.
Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và sở hữu trí tuệ CIPTEK (đơn vị do Sở Khoa học và công nghệ Hà Tĩnh hợp đồng chủ trì thực hiện dự án) đã tổ chức hội thảo triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Nguyễn Đức Tuấn cho biết: “Đây là tín hiệu vui, bà con, chính quyền xã đều trông mong dự án sớm triển khai và đạt hiệu quả để nâng cao giá trị chuỗi sản xuất chè xanh Hồng Lộc. Về phía chính quyền, chúng tôi sẽ tạo điều kiện tối đa để dự án triển khai thuận lợi, đồng thời quyết tâm đến cuối năm 2021 sẽ phát triển diện tích chè thêm 50 ha”.
Trao đổi về nội dung này, Quyền Trưởng phòng Quản lý công nghệ và chuyên ngành – Sở KH&CN Trần Mạnh Hùng cho biết, ngày 19/6/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1913/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” dùng cho các sản phẩm từ cây chè của xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh”. Dự án kết thúc vào cuối năm 2021.
Hiện nay, các bước triển khai dự án đang được thực hiện; địa phương đã thống nhất được đơn vị đại diện đăng ký thương hiệu sản phẩm; xác định danh mục sản phẩm; xác định khu vực sản xuất và xây dựng bản đồ địa lí; lựa chọn logo cho sản phẩm…
Dự kiến đến đầu năm 2021, nhãn hiệu tập thể “Chè Hồng Lộc” sẽ được cấp văn bằng bảo hộ, là tiền đề quan trọng để xây dựng sản phẩm OCOP, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất.