Dừa Xiêm Bến Tre

Quy Mô Diện Tích Dừa Xiêm Bến Tre

Bến Tre là tỉnh có quy mô trồng dừa lớn nhất cả nước, chiếm trên 1/3 diện tích dừa của cả nước và cây dừa được trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn. Trước năm 2005, diện tích dừa ổn định trong khoảng 37.000ha – 38.000ha. Diện tích dừa thu hoạch là 60.618 ha vào năm 2015 (chiếm 37,66% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh). Toàn tỉnh có khoảng 163.000 hộ trồng dừa trong đó có khoảng 31.650 hộ trồng từ 0,5 đến 1ha và khoảng 8.466 hộ trồng trên 1ha. Ngành thực phầm, chế biến, cung cấp nông sản, nguyên liệu từ trái dừa luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Các huyện có diện tích trồng dừa lớn của Tỉnh Bến Tre là Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam và Mỏ Cày Bắc.

Khoảng hơn 20% diện tích dừa Bến Tre trồng các giống dừa thuộc nhóm dừa lùn (dừa uống nước) phổ biến như các giống dừa Xiêm xanh, dừa Xiêm đỏ, dừa Xiêm lục (Xiêm chu), dừa Xiêm lửa, dừa Xiêm vàng (dừa Tam Quan). Phần diện tích còn lại trồng các giống thuộc nhóm dừa cao (dùng cho công nghiệp). Các vùng trồng dừa uống nước thường phân bố xen kẽ với vùng trồng dừa chế biến công nghiệp. Dừa Bến Tre thuộc vào nhóm năng suất cao (9.703 quả/ha/năm), trên cả Ấn Độ và Sri Lanka. Sản lượng tăng lên khá nhanh, từ 271 triệu quả năm 2006 lên khoảng 573 triệu quả năm 2015.

Công Dụng Và Chất Lượng Của Dừa Xiêm

Nước dừa Xiêm xanh có vị ngọt thanh, không chua, được dùng làm thức uống giải khát và bổi dưỡng sức khỏe nhờ có hàm lượng cáo của đường Glucose, Fructose, Sucrose, Vitamine C, Vitamin B1 và các khoáng chất. Nước dừa có thể dùng để pha chế môi trường nuôi cấy mô, làm dịch truyền để chữa bệnh hoặc chế biến thức ăn. Hiện nay nước dừa tươi còn được đóng hộp để thuận lợi cho việc tồn trữ, vận chuyển nhằm nâng cao được giá trị sản phẩm.

Dừa uống nước Xiêm xanh Bến Tre có quả nhỏ, vỏ bên ngoài màu xanh. Nước dừa Xiêm xanh Bến Tre có vị ngọt đậm hơn nước của giống dừa uống nước Xiêm xanh trồng ở các vùng khác. Nếu chăm sóc tốt, cây bắt đầu ra hoa khi tuổi cây vào khoảng 22 tháng, và sau khoảng 2,5 đến 3 năm cây sẽ cho quả. Cây dừa Xiêm xanh sai quả, năng suất bình quân 140-150 quả/cây/năm và có trọng lượng quả bình quân từ 1,20 – 1,50 kg.

Trước kia, cây dừa uống nước Xiêm xanh được xem là cây trồng phụ của tỉnh, chỉ trồng đan xen trong những vườn dừa ta và vườn cây ăn quả để lấy nước giải khát hoặc chế biến món ăn. Tuy nhiên, nhờ vào giá trị dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe con người có trong nước dừa và danh tiếng về chất lượng của dừa uống nước Xiêm xanh Bến Tre nên nhu cầu tiêu thụ dừa uống nước Xiêm xanh Bến Tre ngày càng tăng cao. Cây dừa Xiêm xanh dần trở thành cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất tại Bến Tre. Việc trồng dừa không đòi hỏi nhiều vốn đầu tư, đặc biệt là không cần nhiều công chăm sóc, bón phân, phun thuốc như những cây ăn quả khác. Thêm vào đó cây lại mau cho quả, chống chịu được điều kiện mặn (>5 ‰). Tất cả những lợi thế này của cây dừa uống nước Xiêm xanh đã giúp cho nông dân Bến Tre có khuynh hướng mở rộng diện tích trồng dừa uống nước Xiêm xanh và qua đó xuất hiện những vườn dừa uống nước Xiêm xanh chuyên canh lớn ở những huyện như Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam.

Định Hướng Và Chính Sách Của Tỉnh Bến Tre

Dừa được xác định là một sản phẩm và ngành nghê nông nghiệp liên quan, trở thành kinh tế chủ lực của địa phương, được Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách và dự án nhằm thúc đẩy ngành dừa phát triển trong ưu tiên xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm xanh. Đây được coi là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho dừa uống nước Xiêm xanh ở thị trường trong và ngoài nước.

Các ngành công nghiệp nhẹ liên quan đến sản phẩm nông nghiệp dừa xiêm như chế biến, đóng gói, sản xuất tinh bột, nước uống đóng chai. Có thể nói một chiến thuật mang tính quy mô tổng hợp từ nhiều khâu từ đầu vào nguyên phụ liệu cho đến chế biến theo quy trình sản xuất hiện đại.

Điều Kiện Khí Hậu Tác Động Đến Chất Lượng

Địa hình đất Bến Tre nhìn chung là bằng phẳng và có khuynh hướng thấp dần từ hướng Tây-Bắc xuống Đông-Nam với những giồng cát hình cánh cung trên vùng ven biển cổ cao hơn được hình thành qua quá trình bồi lắng trầm tích biển. Vùng trồng dừa uống nước Xiêm xanh là vùng bằng phẳng có cao trình trung bình (1-2 mét so với mực nước biển) chỉ bị ngập ít theo triều (chỉ bị ngập trong thời điểm triều cường cuối tháng Giêng và tháng Mười hai). Tuy cây dừa chịu được ngập theo thủy triều lên xuống trong và tháng mùa lũ, nhưng khi bị úng kéo dài, dừa có thể bị thối rễ và rụng trái. Cây dừa còn có thể chịu được độ mặn từ 4 đến 5 % trong thời gian ngắn (2-3 tháng) mà vẫn phát triển được.

Đặc điểm của vườn dừa tại Bến Tre là cây dừa được trồng trên liếp, tuỳ theo tính chất đất và độ cao tự nhiên của từng vùng đất có thể lên liếp đơn (vùng đất thấp) hoặc liếp đôi. Do yêu cầu cây dừa phát triển tốt trên đất thoáng khí, thoát thủy tốt nên mặt liếp phải cao hơn đỉnh lũ và cao hơn mặt nước trung bình 60 cm.

  • Đất đai, thổ nhưỡng

Bến Tre là có hình dạng cù lao lớn ở giữa các cửa sông Cửu Long hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của những “đảo cửa sông”. Đặc biệt nằm giữa hai con sông tiền và sông Hậu, cộng với  một trong những dạng thức lấn biển nhanh chóng của đồng bằng sông Cửu Long trong hàng ngàn năm qua. Những nhánh sông chia cắt giữa các cù lao dần dần bị lấp nghẽn bởi lượng phù sa ngày càng lớn và các cù lao chắp lại với nhau tạo nên Bến Tre ngày nay. Từ xưa đến nay, dừa là cây trồng lâu năm và chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống cây trồng của Bến Tre do sự thích nghi đặc biệt với sa cấu đất phù sa nơi đây. Cây dừa và hoạt động sản xuất, chế biến dừa đã tạo nên một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường đặc biệt trên vùng đất hạ nguồn sông Cửu Long (sông Me-kông). Diện mạo ấy không ngừng biến đổi và gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển xứ dừa Bến Tre.

Vùng trồng dừa uống nước Xiêm xanh tỉnh Bến Tre được tạo nên từ một phần diện tích gồm thành phố Bến Tre và các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú. Vùng chỉ dẫn địa lý nói trên nằm trọn trên ba dãy cù lao (cù lao An Hoá nằm giữa sông Mỹ Tho và sông Ba Lai bao gồm huyện Bình Đại và một phần huyện Châu Thành; cù lao Bảo nằm giữa sông Ba Lai và sông Hàm Luông bao gồm thành phố Bến Tre, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và phần lớn huyện Châu Thành; cù lao Minh nằm giữa sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên bao gồm các huyện Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú). Bến Tre là những cụm cù lao cuối cùng nhận lượng phù sa giàu dinh dưỡng của dòng nước sông Mê-kông trước khi chảy ra biển, nhờ đó cây dừa xanh tốt hơn và cho năng suất cao hơn các vùng khác.

Kết quả nghiên cứu về tính chất lý, hóa học của đất tại các vườn dừa của tỉnh Bến Tre cho thấy đất có sa cấu sét pha thịt và có tỉ lệ cát cao chiếm khoảng 12%. Sa cấu đất không có sự khác biệt lớn các tầng đất 0-30cm và 30-60 cm. Đất chỉ hơi chua (pHH2O: 5,26 và pHKCl: 4,53).

  • Khí hậu

Khí hậu của tỉnh Bến Tre là khí hậu nhiệt đới gió mùa ẩm. Nhiệt độ trung bình khoảng 270C và ít biến động (25-290C). Tháng nóng nhất là tháng 4 và 5. Tháng mát nhất là tháng 12. Nhiệt độ thấp tuyệt đối là 18,10C và cao nhất là 360C. Trong mùa khô, biên độ dao động ngày đêm cao nhất có thể lên đến 140C, còn mùa mưa là 11,40C. Thông thường biên độ nhiệt ngày và đêm tại Bến Tre chỉ dao động khoảng 4-8oC. Điều kiện khí hậu của tỉnh Bến Tre rất lý tưởng cho cây dừa sinh trưởng và phát triển tốt.

Lượng mưa hàng năm trung bình từ 1.200-1.600 mm rất thích hợp cho nhu cầu của cây dừa. Tuy vậy, do lượng mưa phân bố không đều, mùa khô kéo dài 4-5 tháng với lượng mưa rất thấp (15-30 mm) gây ra sự thiếu nước, nhưng mùa mưa lượng mưa tập trung trên 90% lượng mưa cả năm kết hợp với mùa nước nổi gây ra sự ngập úng. Vì vậy, để đạt được năng suất cao cây dừa cần tưới nước trong mùa khô và thoát nước trong mùa mưa. Cần cải tạo lại các vấn đề chống ngập và hệ thống tưới tiêu cho nông nghiệp của tỉnh.

Nhân Tố Con Người 

Bên cạnh điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho sự phát triển của cây dừa uống nước Xiêm xanh, tập quán canh tác của người nông dân Bến Tre làm cho sản phẩm dừa uống nước Xiêm xanh thêm đặc sắc mà chỉ vùng đất này mới có được. Cụ thể, người dân canh tác vẫn luôn cho đất thông thoáng hàng năm bằng cách vét mương, bồi bùn. Phương pháp kết hợp giữa tập quán chăm sóc và việc áp dụng quy trình kỹ thuật mang tính khoa học làm cho cây dừa sinh trưởng tốt, đạt năng suất và chất lượng cao.

Việc đào mương, lên liếp trồng dừa là một trong những cách mà người dân Bến Tre thích nghi với môi trường sống. Họ đã tạo môi trường thuận lợi cho cây dừa sinh sống và phát triển, cùng với đó là thuận lợi cho việc tưới tiêu, thu hoạch. Nhờ có hệ thống mương và chế độ bán nhật triều của sông rạch xứ dừa, người dân có thể lấy bùn lắng trong mương vườn từ phù sa sông và chất hữu cơ từ xác bả thực vật tích tụ để vun đắp cho cây dừa xanh tốt. Hệ thống mương vườn còn giúp dự trữ nước ngọt trong mùa mưa và tưới bổ sung cho dừa vào mùa nắng hạn.

Đất, nước, vị trí địa lý của vùng đất Bến Tre và truyền thống canh tác đã làm cho quả dừa uống nước Xiêm xanh có chất lượng vượt trội so với quả dừa uống nước của các địa phương khác. Bến Tre là địa phương dẫn đầu của cả nước về số cơ sở ươm tạo, nhân giống cây với đội ngủ nông dân có tay nghề cao trong việc chiết, ghép cây giống cùng sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương trong nghiên cứu, hướng dẫn kỹ thuật. Những đặc điểm tự nhiên và con người này đã làm nên danh tiếng “xứ dừa Bến Tre” trong và ngoài nước.