(Baohatinh.vn) – Càng cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, chè xanh càng tăng giá. Thời điểm này, nông dân Hà Tĩnh đang phấn khởi vừa chăm sóc vừa bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm.
Hồng Lộc (Lộc Hà) là vùng cung cấp chè xanh có tiếng ở Hà Tĩnh. Được trồng hàng chục năm trên đất đồi núi nên chè Hồng Lộc có hương vị đặc trưng, thương lái rất ưa chuộng. Hơn 1 tháng nay, chè xanh liên tiếp tăng giá, nông dân Hồng Lộc càng phấn khởi.
Chị Bùi Thị Liên (thôn Đông Thịnh, xã Hồng Lộc) cho hay: “Nhà tôi trồng hơn 6 sào chè đã hàng chục năm tuổi. Để có chè bán tết, chúng tôi phải tăng “sức đề kháng” cho cây từ trước. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, tôi làm sạch cỏ, bón phân và tấp gốc. Hiện, giá chè xanh tăng khá, 1 kg tầm 8 – 10 ngàn đồng, trong khi thời điểm này năm ngoái chỉ từ 7 – 8 ngàn đồng/kg. Tới đây, giá chè dự đoán sẽ tiếp tục tăng. Dịp tết này, gia đình tôi có thể thu về hàng chục triệu đồng từ chè”.
Theo lý giải của người trồng chè Hồng Lộc, nguyên nhân chính đẩy giá chè lên cao là bởi năm nay, thời tiết hanh heo nên chè cũng kém tốt hơn những năm trước. Hơn nữa, nắng nóng gay gắt kéo dài dịp tháng 5 – 7 đã khiến một số diện tích chè bị chết nên nguồn cung có giảm so với các năm.
Ông Dương Hậu (thôn Trung Sơn) vui mừng: “Chè xanh Hồng Lộc chủ yếu là “chè cổ thụ”, được trồng từ 30 – 40 năm, có cây trồng trên 50 năm nên khi om, nước trong và có màu xanh đặc trưng, vị ngọt thơm không thể lẫn. Chúng tôi không phải đi chợ bán mà chỉ cắt đưa xuống điểm tập kết là đã có người mua. Tới đây, khi xây dựng xong thương hiệu chè Hồng Lộc, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Ông Lê Viết Bình – Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Chè Hồng Lộc từ lâu được trồng trên đồi núi, thơm ngon có tiếng ở Hà Tĩnh. Toàn xã hiện có 57 ha chè, tập trung ở các thôn: Đông Thịnh, Quan Nam, Trường An, Trung Sơn… Thời điểm này, chè đã tăng giá mạnh, doanh thu từ chè năm 2020 của xã ước đạt trên 10 tỷ đồng”.
Cũng theo ông Bình, với mục tiêu nâng cao giá trị cây chè, để có thể cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, từ tháng 4/2020, địa phương bắt tay xây dựng thương hiệu chè Hồng Lộc. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành hồ sơ nộp Cục Sở hữu trí tuệ. Chúng tôi phấn đấu để chè được công nhận nhãn hiệu tập thể trong năm nay. Thời gian tới, bên cạnh mở rộng diện tích lên 200 ha, địa phương tập trung quy hoạch, định hình lại phương thức tổ chức sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, cung ứng cho nhiều phân khúc thị trường.
Cận tết, nông dân vùng chè Thượng Lộc (Can Lộc) lại tất bật chăm sóc chè xanh và bắt tay vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm. Chè Thượng Lộc được trồng chủ yếu trong vườn hộ nên việc cung cấp dinh dưỡng cho cây qua các khâu làm cỏ, bón phân, tưới nước, tấp tủ gốc… diễn ra thường xuyên.
Ông Nguyễn Xuân Diệu – Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc (Can Lộc) thông tin: “Chè là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. So với các loại cây khác, trồng chè chi phí đầu tư không lớn song cho hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, toàn xã có trên 25 ha, nguồn thu hàng năm từ chè trên 4 tỷ đồng. Thời điểm này, nông dân vừa chăm sóc vừa thu hoạch với mức giá khá cao, khoảng 10 ngàn đồng/kg, trong khi cách đây khoảng 2 tháng trước thì giá chỉ được tầm 1/2 bây giờ”.
Ngoài Hồng Lộc (Lộc Hà), Thượng Lộc (Can Lộc) thì các vùng trồng chè có tiếng ở Hà Tĩnh như: Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) và các xã miền núi ở các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh đều đang phấn khởi bước vào vụ thu hoạch lớn nhất trong năm với niềm vui được giá. Hàng ngàn ha chè sẽ mang về nguồn thu khá cho nông dân Hà Tĩnh dịp Tết Nguyên đán này.
Theo ghi nhận, kinh nghiệm sản xuất lâu năm cùng với việc ứng dụng các biện kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn nên chè Hà Tĩnh không chỉ phát triển tốt mà còn đảm bảo độ ngon, chất lượng, được thị trường đón nhận. Do vậy, nông dân Hà Tĩnh sẽ tiếp tục tái đầu tư, chăm sóc để tăng nguồn thu hằng năm.